UBND TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực để triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch và xem đây là mục tiêu quan trọng của TP.HCM trong việc phát triển ngành CNTT trong thời gian tới.
Ngày 15/03/2013, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch. Tham dự có ông Nguyễn Minh Hồng -Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các Bộ, ngành liên quan.
Từ năm 2011 UBND TP.HCM đã đẩy mạnh Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, trong năm 2012 Ban chỉ đạo chương trình đã được thành lập do Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà làm Trưởng ban và Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch với các nội dung cụ thể đã ra đời. Tầm quan trọng của ngành công nghiệp vi mạch tại TP.HCM được thể hiện rõ, khi chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM đã được đưa vào chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ với 3 chương trình là: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) cho biết: Việc phát triển công nghiệp vi mạch, trong đó có dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch và đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, khi công suất sẽ sản xuất 1,8 tỉ con chip/năm và doanh thu lên tới 90 triệu USD/năm và khi thị trường phát triển hiệu quả sẽ tăng gấp đôi…
Bên cạnh đó, Chương trình phát triển còn góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế và kềm chế lạm phát, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm điện tử Việt Nam với mức lợi nhuận từ 20% - 30%, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, do làm giảm chi phí phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng và trong xuất khẩu. Từ đó, góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình được đầu tư từ nguồn vốn của đơn vị triển khai là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, nguồn hỗ trợ từ ngân sách thành phố, nguồn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay, nguồn vay từ chương trình kích cầu của TP.HCM.
Theo ông Lê Mạnh Hà, trong thời gian tới Chương trình này cần tập trung hơn nữa vào các dự án đã và đang triển khai, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm, vì ngành này cũng rủi ro rất cao. Các chính sách cần cụ thể hơn nữa vào các chương trình để chạy tốt. Đặc biệt vấn đề về thị trường phải được chú trọng, các hàng rào về kĩ thuật và hàng rào về an ninh cần quyết liệt hơn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao việc UBND TP.HCM chú trọng phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Theo Thứ trưởng, các nước như Hàn Quốc và Đài Loan khi phát triển ngành này thì ứng dụng CNTT đều phát triển rất mạnh. Việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực khác cho CNTT nói chung và lĩnh vực công nghệ cao nói riêng.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, các đơn vị Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện kĩ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), Cục CNTT (Bộ Tổng Tham mưu), Sở TT&TT TP.HCM và Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã tiến hành kí Bản cam kết về hợp tác trong triển khai đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm vi mạch phục vụ lĩnh vực an ninh quốc phòng; triển khai các chương trình, đề án, dự án nhánh thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013 – 2020 theo quyết định số 6358/QĐ-UBND ban hành 14/12/2013 của UBND TP.HCM.
Thành lập Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM
Cũng trong ngày 15/03, tại TP.HCM đã diễn ra Đại hội thành lập Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM. Hội được xem là cầu nối gắn kết giữa nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, tham mưu xây dựng chính sách phục vụ cho Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố. Bên cạnh đó sự ra đời của Hội cũng góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển khoa học kĩ thuật, kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.Ban chấp hành Hội gồm 7 thành viên, trong đó có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thư kí và 2 ủy viên.
Tại Đại hội đã diễn ra Lễ kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM và các Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Nhật Bản và Hội Công nghệ bán dẫn Singapore.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét