Khi bạn mua một chiếc xe mới hoặc một chiếc xe mắc tiền nào đó thì chúng ta thường rất hay lo ngại nó sẽ bị mất đi, bị trộm hay thậm chí là cướp. Để khắc phục vấn đề này thì các bạn có rất nhiều cách, có những giải pháp như sử dụng chìa code như Piaggio xài, lắp khóa chống đoản hoặc một số phương pháp khác sử dụng điện như GPS hay dùng remote, công tắc phụ…. Bài viết này sẽ giúp các bạn có những cái nhìn cơ bản nhất về những giải pháp chống mất cắp xe máy dùng điện, những cách cơ khí như thay ổ khóa hay khóa chống đoản sẽ có trong một bài viết khác.
Trước tiên, bạn cần hiểu giải pháp điện là gì? Nó không phải như một số bạn hình dung là giựt điện kẻ trộm khi bẻ khóa! Nói một cách đơn giản thì khi dùng phương thức chống trộm này, bạn sẽ can thiệp vào hệ thống cung cấp điện của xe (bộ đề, ắc quy…) và làm cho xe không thể khởi động được. Có khá nhiều phương thức khác nhau nhưng chúng ta sẽ nói đến 4 cái chính: công tắc phụ, điều khiển từ xa (remote), RFID và GPS.
Công tắc phụ:
Tháo xe gắn công tắc phụ (anh này gắn vào cốp nên phải tháo nhiều vậy)
Đây là phương pháp rẻ nhất (khoảng 1-200 ngàn) và cũng được khá nhiều người sử dụng. Khi dùng cách thức này thì người gắn sẽ bổ sung một mạch vào hệ thống điện của xe, chỉ khi nhấn vào công tắc này thì máy xe mới có thể đề được. Do không phức tạp và gần như không sử dụng nguồn không ảnh hướng đến ắc quy của chúng ta. Ưu điểm của công tắc phụ là bạn có thể đặt nó ở bất cứ nơi đâu, ví dụ như hốc để chai nước hay thậm chí là cốp xe. Trừ khi kẻ trộm là người quen, sẽ rất khó để chúng biết công tắc nằm ở đâu để có thể đề máy.
Một số chỗ gắn công tắc phụ có bổ sung thêm còi báo hiệu, khi một người cố tình mở khóa mà không nhấn công tắc phụ thì xe sẽ tự hú lên cảnh báo cho chủ nhân.
Remote:
Công tắc phụ là phương pháp rẻ nhất nhưng remote có lẽ là cái mà người ta dùng nhiều nhất vì những ưu điểm của nó: cho phép tắt/mở máy từ xa (khoảng vài đến vài chục mét tùy thiết bị), có thể ngắt máy khi xe đang chạy (tùy thiết bị), hỗ trợ tìm xe từ xa (hú còi hoặc nháy đèn khi bấm, tùy thiết bị). Một số remote nâng cao còn có chức năng cảnh báo (ví dụ rung remote hay hiển thi màn hình) khi xe bị can thiệp bẻ khóa trái phép. Nếu bạn dùng các remote xịn thì nó cũng có thể cảnh báo khi chúng ta quên bấm nút khóa hoặc tự khóa sau một khoảng thời gian nhất định nào đó….
Một loại sản phẩm của Trung Quốc
Chi phí để gắn remote vào khoảng 300-1 triệu đồng tùy loại… Bạn nên lưu ý chọn các thiết bị có khả năng chống nước và tiết kiệm điện nhất có thể. Một số remote dỏm dùng các mạch chất lượng kém nên nó sẽ gây tốn bình ắc quy không cần thiết, nếu để lâu không đi thì sẽ không đề được nữa do kiệt bình (khá ít gặp vì remote không tốn nhiều năng lượng).
Remote và còi hú
Cũng như công tắc phụ và các giải pháp can thiệp vào điện khác, remote cũng đi kèm một loa để hú khi xe bị can thiệp. Các chức năng của remote cao cấp cũng khá phong phú so với loại thường, nó có những mức độ cảnh báo khác nhau tùy vào số lần can thiệp của kẻ trộm, ví dụ bẻ khóa một lần sẽ hú còi, bẻ khóa lần 2 sẽ phát âm thanh bằng giọng nói hay thậm chí là tắt máy xe...
Có một giải pháp nâng cao của Remote là kết hợp thêm với SIM điện thoại. Khi lắp đặt, bạn sẽ gắn một thiết bị có SIM điện thoại vào trong xe, mỗi khi muốn đề máy ta có thể nhắn tin từ điện thoại của mình tới số điện thoại trong xe hoặc nhắn tin để tắt máy. Mỗi khi xe bị bẻ khóa thì SIM này cũng sẽ gọi điện tới số của chúng ta và kết hợp với microphone gắn trong xe để người dùng nghe được âm thanh từ môi trường xung quanh…
RFID:
RFID cũng là một giải pháp chống trộm khá hay, có cả giải pháp từ một vài nhà sản xuất Việt Nam. Phương pháp này cũng tương tự công tắc phụ nhưng nó an toàn hơn và cũng phiền phức hơn, xét về một mặt nào đó. Khi trang bị khóa RFID, bạn sẽ được cung cấp một thiết bị nhỏ gắn vào chìa khóa xe, khi ta chạm thiết bị đó và khóa RFID thì lúc này mới đề xe được. Thiết bị RFID có thể giấu ở bất cứ vị trí nào trong xe như công tắc phụ, kể cả khi trộm biết vị trí chip RFID nhưng không có thiết bị phát gắn vào chìa khóa của chúng ta thì cũng không mở khóa được. Phương thức RFID khá tiết kiệm pin, bạn có thể để xe vài tháng không xài nhưng vẫn không làm kiệt ắc quy.
Một vài thiết bị RFID có phạm vi thu phát sóng khá nhỏ, khoảng vài cm trong khi một số thiết bị lại vào khoảng 10m. Lưu ý rằng khoảng cách lớn hơn không có nghĩa là xịn hơn. Các thiết bị khoảng cách lớn có thể bị nhiễu sóng khi bạn dừng xe ở những khu vực trạm phát tín hiệu mạnh (cột phát sóng di động, đài truyền hình…). Với các thiết bị có phạm vi thu phát sóng nhỏ, bạn phải chạm nó vào xe thì ta mới có thể đề xe, thỉnh thoảng gặp trường hợp không nhạy thì bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian thử mới có thể đề máy.
Còn những thiết bị có tầm phát sóng dài thì sao? Lấy ví dụ tầm phát sóng 10m thì khi bạn đeo khóa và đứng cách xe 10m, xe sẽ tự khóa máy kể cả khi nó đang nổ máy (chống cướp) và tự đề máy khi chúng ta bước vào phạm vi 10m trở lại. Dù vậy, do giới hạn về năng lượng (không thể quét liện tục, phải theo chu kỳ) mà độ trễ của hành động tắt/mở máy khá lâu, bạn vẫn có thể mất xe như thường!
Chi phí cho RFID từ khoảng 600-1,6 triệu đồng tùy thiết bị.
GPS:
GPS là giải pháp để chúng ta bắt trộm hơn là phòng trộm. Nếu bạn hay coi phim hành động thì sẽ thấy người ta hay gắn mấy cục GPS bằng nút áo vào giày hay một nơi nào đó trong xe để theo dõi (tracking) đối tượng. Thành thật mà nói thì những phước phim đó mang tính giả tưởng rất cao. Thứ nhất, với những thiết bị nhỏ như vậy thì khả năng bắt sóng là cực yếu, pin của nó cũng không đủ để tồn tại trong thời gian dài và dữ liệu thu được cũng không có cách nào truyền tải về máy chủ theo dõi cả!
Nếu bạn tin vào những thước phim đó thì đừng bị shock khi thấy cục bắt sóng GPS cho xe máy/xe ô tô ngoài đời. Tùy vào loại thiết bị mà kích cỡ của chúng sẽ thay đổi nhưng thông thường thiết bị nhỏ nhất cũng to bằng nửa nắm tay người lớn.
Khe cắm SIM
Lý do cho cho kích cỡ này là một thiết bị GPS phải có SIM điện thoại có đăng ký data bên trong để truyền dữ liệu liên tục về máy chủ theo dõi (vì máy chủ này mà mỗi năm bạn phải đóng 500-1 triệu tiền phí máy chủ tùy nhà sản xuất) đồng thời giúp thiết bị bắt sóng GPS nhanh hơn A-GPS (Assisted GPS), phải có chip GPS và ăng ten tăng khả năng bắt sóng (một số dùng ăng ten rời, một số tích hợp) cùng chip xử lý và các chipset liên quan… Hầu hết các thiết bị GPS đều có những cổng giao tiếp với máy tính (USB hoặc serial…) để nâng cấp phần mềm, bổ sung thêm tính năng sau này.
Vì lý do phức tạp như vậy, các thiết bị GPS khá mắc, đặc biệt là những máy có GPS thực bắt sóng vệ tinh, khoảng 2,5 triệu trở lên. Một số thiết bị rẻ hơn không dùng GPS thực mà nó sử dụng hệ thống định vị thông qua các trạm phát sóng di động nhưng tất nhiên sẽ không chính xác bằng việc sử dụng GPS, độ sai số lớn hơn khá nhiều.
Tốn nhiều tiền như vậy thì bạn sẽ được những ưu điểm gì so với các giải pháp khác? Đầu tiên, bạn có thể điều khiển nó từ chiếc điện thoại của chính chúng ta. Mỗi khi cần làm gì, bạn chỉ cần nhắn tin đến số điện thoại trong GPS để ra lệnh. Một số lệnh tiêu biểu có thể kể đến như tắt máy xe hoàn toàn, chỉnh thời gian gửi tín hiệu về máy chủ (thời gian càng ngắn thì càng tốn pin nhưng dữ liệu về tốc độ và quãng đường bạn đi qua càng chính xác hơn).... Ưu điểm của GPS là bạn luôn biết chính xác xe ở chỗ nào, kẻ trộm chỉ có chạy đằng trời. Trừ khi tháo cục GPS (nằm sâu trong xe) thì kể cả khi xe đang chạy bạn vẫn có thể yêu cầu nó tắt máy gần như ngay lập tức.
Do định vì bằng GPS có độ chính xác tính bằng mét mà các thiết bị GPS cũng có một tính năng khá hay: tự động gọi điện cho bạn khi xe bị di chuyển hay rung động sau một khoảng thời gian nào đó. Ví dụ nếu bạn chỉnh thời gian cảnh báo là 1 tiếng thì sau một tiếng đó, mỗi khi xe bị dắt đi (không cần đề máy), xe cũng sẽ gọi điện cảnh báo và dùng micro thu lại âm thanh môi trường xung quanh cho bạn.
Thiết bị này dùng bản đồ của Vietmap và dùng ăng ten ngoài
Tùy vào thiết bị bạn sử dụng mà sẽ có những loại bản đồ khác nhau, một số dùng Vietmap, một số dùng Google Maps… Thật đáng tiếc là các thiết bị GPS ở Việt Nam vẫn chưa có ứng dụng cho điện thoại mà dùng trình duyệt (hỗ trợ mobile, bị giới hạn tính năng so với tin nhắn) và tin nhắn để điều khiển. Thực chất thì việc viết một ứng dụng web theo kiểu responsive design không quá khó, rất tiếc là các nhà sản xuất chưa chịu làm điều này.
Có một nhược điểm của GPS là nó khá tốn pin, một vài thiết bị đời cũ có thể rút kiệt ắc quy của bạn chỉ sau 2-3 ngày không chạy xe. Các thiết bị mới hơn thì đã tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều, với cường độ gửi tín hiệu về máy chủ sau mỗi 1 phút thì nó có thể sống được gần một tuần. Nếu bạn chỉnh 5 phút hay 15 phút thì thời gian đó còn lâu hơn nữa.
Giải pháp tổng hợp:
Như bạn đã thấy ở trên, không một giải pháp nào là hoàn hảo. Nếu muốn đầy đủ tất cả các tính năng và an toàn nhất thì bạn có thể kết hợp dùng RFID/công tắc phụ + Remote + GPS nhưng nó khá là phiền. Ví dụ như nếu bạn gắn tổ hợp RFID + Remote + GPS thì trước khi đề máy ta phải chạm khóa RFID vào xe, nhấn nút mở khóa trên remote và nhắn tín đến GPS để kích hoạt động cơ máy (nếu đã tắt trước đó, không thì không cần). Trừ khi bạn đi Kawasaki Z1000 (thực chất thì cũng ít ai dám trộm) hay Ducati 1100 thì cũng không cần quá cẩn thận như vậy.
Lưu ý: Hầu hết các giải pháp trên đều có thể thực hiện mà không phải cắt dây điện trong xe, bạn nên kiểm tra kỹ nơi làm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Một số cửa hàng cắt dây còn một số lại không. Nếu cửa hàng nào cắt dây, hãy bảo đảm nó không ảnh hưởng gì đến khả năng hoạt động của xe, đặc biệt là phun xăng điện tử.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét